Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng kỳ 18: Hãy trở thành người giúp đỡ
Những người bị bắt nạt trong một thời gian dài có xu hướng trở thành những người sống lủi thủi và thu mình, thiếu tự tin, thiên về trốn tránh hơn là đấu tranh. Thực tế cho thấy những người thuộc các cộng đồng thiểu số và những người có khiếm khuyết về thể chất và tinh thần thường trở thành nạn nhân của sự bắt nạt, xa lánh và các dạng ngược đãi khác.
Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng kỳ 18: Hãy trở thành người giúp đỡ |
Khi tôi còn là một đứa trẻ, chuyện bắt nạt không được coi là một vấn đề nghiêm trọng. Nhiều người nghĩ đó là một phần của cuộc sống hoặc là chuyện gì đó mà ai cũng biết phải đương đầu như thế nào. Nhưng mức độ nghiêm trọng của nạn bắt nạt đã leo thang trên khắp thế giới. Đã có những cái chết liên quan đến những hành động bắt nạt, và mạng sống đang bị đe dọa thường trực vì vấn nạn này. Nếu bạn biết một người nào đó mà bạn nghĩ có thể đang bị bắt nạt, dù là một người bạn, một người thân trong gia đình, một người bạn học hay đồng nghiệp, thì tôi khuyến khích bạn hãy cảnh giác và sẵn sàng đến với người đó để giúp đỡ. Các chuyên gia nói rằng các dấu hiệu thông thường cho thấy ai đó đang là nạn nhân của những hành động bắt nạn gồm:
· càng ngày càng ngại đến trường, ngại đi làm hoặc tham dự các sự kiện có bạn bè cũng trang lứa.
· từ chối bàn luận về các sự kiện trong ngày khi về nhà
· quần áo bị rách, những vết thương không được giải thích nguyên nhân, đồ dùng cá nhân bị lấy trộm
· hỏi xin tiền tiêu vặt để mang đến trường
· mang vũ khí tới trường
· kêu đau đầu, đau bụng và kêu mệt mỏi, căng thẳng trước khi rời nhà và khi về nhà
· kêu mất ngủ hoặc gặp ác mộng
· mất hoặc giảm khả năng tập trung
· những thay đổi rõ rệt trong thói quen ăn uống, ăn nhiều hơn hoặc ít hơn
· ít tương tác với các bạn cùng trang lứa, thậm chí không giao thiệp với bạn bè
· tự hủy hoại bản thân bằng cách rạch, cào cấu da thịt, rứt tóc, và các hành động khác
· có vẻ sợ ra khỏi nhà
· trốn khỏi nhà
· bỗng nhiên bỏ học hoặc bỏ làm
· có tâm trạng không vui trước khi rời khỏi nhà hoặc khi về nhà
· có những bình luận tiêu cực, chẳng hạn như “chán đời quá” hoặc “mình không thể chịu đựng hơn được nữa” hoặc “tất cả mọi người đều ghét bỏ mình”
Từ trải nghiệm của bản thân, tôi biết những người bị bắt nạt thường giấu gia đình, bạn bè về sự khổ sở và buồn bã của mình, vì xấu hổ hoặc vì họ sợ tình hình sẽ tồi tệ hơn. Hầu hết những người bị bắt nạt không tìm ra cách để thoát khỏi những kẻ đang hành hạ mình, và điều đó có thể dẫn đến những hậu quả thương tâm. Có vẻ như điều đó đã xảy ra với Jeremiah Lasater và Amanda Cummings.
Tôi đã không nói cho cha mẹ biết tôi bị bắt nạt vì tôi không muốn làm cho cha mẹ lo lắng, không muốn chất thêm gánh nặng cho họ. Tôi nghĩ rằng tôi hoặc cứ để mặc mọi chuyện xảy ra hoặc tự mình đương đầu với nó. Các nạn nhân của những hành động bắt nạt thực sự cần giúp đỡ. Cho dù có thể không yêu cầu, họ vẫn hoan nghênh những nỗ lực thầm lặng nhằm cải thiện tình hình.
Một trong những yếu tố khiến tôi đau đớn nhất trong những lần tôi bị Andrew bắt nạt là sự thiếu lòng trắc ẩn từ các bạn học cùng trường, những người chứng kiến sự tấn công bằng lời của kẻ bắt nạt nhưng không làm gì để giúp tôi hết. Tôi mừng vì cuối cùng tôi đã dũng cảm đương đầu với Andrew và thậm chí tôi cảm thấy biết ơn khi cậu ta đã dừng lại. Nhưng vào những ngày đó tôi thường tự hỏi những người tốt thường ra tay cứu giúp người khác ở đâu cả rồi. Kinh Thánh kể với chúng ta rằng “một chuyên gia về luật” đã có lần cố thử thách Jesus bằng cách hỏi: “Tôi phải làm gì để được hưởng cuộc sống vĩnh hằng?”.
Jesus đã hỏi người đó, trong luật điều ấy được viết như thế nào.
“Yêu Chúa Trời bằng cả trái tim, tâm hồn, sức mạnh và tinh thần”, người đó đáp.
“Và ‘Yêu quý láng giềng như yêu bản thân mình’.”
Người đó hỏi Jesus: “Vậy ai là láng giềng của ngươi?”.
Jesus đáp bằng cách kể một câu chuyện về người Samarita. Chuyện như sau: Một người lữ hành bị cướp bóc, đánh đập và bị bỏ mặc cho chết trên đường từ Jerusalem đi Jericho. Hai người đi ngang qua không hề động lòng trắc ẩn, nhưng người thứ ba, người đến từ Samarita, đã giang tay giúp đỡ. Người Samarita đó đã chăm sóc và băng bó vết thương cho nạn nhân, đặt ông lên lưng lừa và đưa ông tới một nhà trọ để chăm sóc. Khi người lữ hành bình phục, trước khi chia tay, người Samarita còn cho người lữ hành tiền và hứa sẽ quay trở lại thăm ông.
Sau khi kể câu chuyện đó, Jesus hỏi rằng người nào trong ba người đi đường đó là hàng xóm thực sự của nạn nhân bị cướp bóc. Vị kia trả lời: “Đó là người đã đối xử với nạn nhân bằng lòng nhân từ”.
Jesus liền nói: “Vậy thì hãy làm như thế”.
Tôi khuyến khích bạn cũng hãy làm như thế.
Kinh Thánh cũng dạy chúng ta rằng: “Anh em muốn người ta làm cho mình thế nào thì hãy làm cho người ta như thế”. Đây được gọi là Luật Vàng, và là một trong những nguyên tắc sống cơ bản của người theo đạo Cơ Đốc. Nguyên tắc này đi đôi với lời răn: “Hãy yêu quý láng giềng như yêu quý bản thân mình” và đi đôi với sự đảm bảo rằng chúng ta đối xử với người khác như thế nào thì Chúa Trời sẽ đối xử với chúng ta như thế.
Hành động theo niềm tin để chống lại sự bắt nạt
Chúa Trời muốn chúng ta làm những điều đúng đắn, trong đó có điều này: Đừng bao giờ làm gì để người khác phải chịu đau khổ nếu như bạn có thể tránh được. Người lữ hành mà người Samarita tốt bụng tình cờ gặp trên đường đã bị bắt nạt, bị đánh đập, cướp bóc. Chúa Jesus đã không nói dông dài về những điều Người mong chúng ta làm nếu chúng ta phát hiện ra ai đó ở trong hoàn cảnh đó. Khoanh tay đứng nhìn người khác bị hăm dọa, bị ức hiếp, chế giễu và bị xa lánh không phải là hành vi của người theo đạo Cơ Đốc, cũng không phải là tinh thần nhân đạo của tôn giáo. Đến con vật chúng ta cũng không nên ngược đãi như thế, huống chi con người.
Người Samarita tốt bụng đó không chỉ dùng lời để an ủi, động viên người bị nạn. Ông đã dừng hành trình của mình lại, chữa trị vết thương và đưa người đó đến nơi an toàn để chăm sóc cho đến khi bình phục. Kinh Thánh không miêu tả nạn nhân của vụ cướp đó, và tôi nghĩ rằng đó là vì Chúa Jesus muốn chúng ta trở thành những người Samarita tốt bụng đối với bất cứ ai đang gặp khó khăn cho dù người đó có giống chúng ta hay không.
Luôn tâm niệm điều đó, tôi khích lệ các bạn hãy tìm đến với bất cứ ai mà bạn nghĩ đang cần được giúp đỡ. Khi làm như thế, có thể bạn sẽ đặt mình vào nguy cơ phải đối mặt với những hiểm nguy. Nếu bạn sợ sự an toàn của mình bị đe dọa, thì hãy tới gặp một giáo viên mà bạn tin cậy, một người quản lý, ông chủ, người bảo vệ an ninh, hoặc chuyên gia về luật pháp và cho họ biết thông tin, đề nghị họ can thiệp. Những lo lắng của bạn sẽ được xem xét một cách nghiêm túc bởi trong những năm gần đây, nạn bắt nạt thường dẫn đến hành động bạo lực trong nhà trường và nơi làm việc.
Mỗi trường hợp mỗi khác, và mỗi người bị bắt nạt đều có những khả năng riêng để đương đầu hoặc không đương đầu với hành vi bắt nạt. Hầu hết các chuyên gia khuyên chúng ta hãy chủ động đương đầu với những vụ bắt nạt bằng hành động. Nhưng dù bạn chiến thắng trong một trận đánh nhau với kẻ bắt nạt mình, thì điều đó cũng không thể đảm bảo rằng vấn đề của bạn đã chấm dứt.
Sau đây là những bước mà các chuyên gia khuyên chúng ta nên thực hiện:
· Chứng minh hành vi của kẻ bắt nạt bằng cách đảm bảo rằng có các nhân chứng, bao gồm những người có thẩm quyền như giáo viên, người giám sát, nhân viên an ninh, chính quyền địa phương.
· Trước những người chứng kiến có thiện ý, hãy yêu cầu kẻ bắt nạt dừng hành vi bắt nạt lại.
· Ghi chép đầy đủ ngày tháng, thời gian, địa điểm xảy ra hành vi bắt nạt để bạn có thể chứng minh sự tái diễn và lặp đi lặp lại của hành vi đó. Mỗi lần ghi lại bạn hãy ghi rõ hành vi bắt nạt đã gây ảnh hưởng đến thân thể, tinh thần và cảm xúc của mình như thế nào. Nếu kẻ quấy rầy bạn cũng bắt nạt những người khác nữa, thì bạn hãy bảo những người đó hãy thực hiện những ghi chép tương tự.
Sử dụng công nghệ thông tin để bắt nạt
Có những kiểu bắt nạt khác đã trở nên phổ biến cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, dựa vào Internet và hệ thống tin nhắn bằng điện thoại di động. Kiểu bắt nạt này được gọi là kiểu bắt nạt dựa trên công nghệ thông tin, và mặc dù người thực hiện hành vi bắt nạt không cần xuất hiện trước mặt nạn nhân, nó gây hại nhiều chẳng kém gì các kiểu bắt nạt trực tiếp. Và thường thì kẻ bắt nạt thông qua thế giới ảo cũng hăm dọa và bắt nạt nạn nhân ở ngoài đời thực. Cũng thường thấy chuyện người và người bắt nạt nhau qua phương tiện thông tin bằng những lời đe dọa, đồn đại và ngôn ngữ thô tục.
Bắt nạt dựa trên phương tiện thông tin được coi là một yếu tố liên quan đến nhiều vụ tự sát của thiếu niên xảy ra trong những năm gần đây. Ryan Halligan, một học sinh lớp tám ở Vermont, Hoa Kỳ, đã tự sát vào năm 2003 sau khi những lời đồn đại về cậu lan tràn trên Internet. Cha của cậu miêu tả đó là một “sự điên cuồng” trong đó những đứa trẻ bình thường không làm những chuyện xấu lại tham gia vào những hành động tàn ác. Vào năm 2006, trong một vụ tự sát gây chú ý khác, Megan Meier ở Missouri được cho là đã bị đẩy đến chỗ phải tự sát bởi hành vi bắt nạt qua mạng của mẹ một bạn học chung lớp với cô.
Trên thực tế đã có rất nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra nên nhiều chính phủ giờ đây đã có luật chống lại việc sử dụng Internet hoặc điện thoại di động để quấy rầy hoặc hăm dọa người khác. Nếu bạn cảm thấy ai đó đang hành hạ bạn bằng những bức thư điện tử, những lời lẽ đăng trên mạng xã hội hoặc tin nhắn qua điện thoại thì tôi xin khẳng định rằng có nhiều cách để phản ứng. Nếu bạn đang sống cùng gia đình, bạn nên báo cho cha mẹ bạn biết ngay lập tức để họ có thể quyết định nên làm gì.
Nếu bạn là một nạn nhân của hành vi bắt nạt, thì bạn hãy nhớ rằng cuộc chiến quan trọng nhất mà bạn phải chiến thắng là cuộc chiến bên trong, cuộc chiến vượt lên chính mình.Cho dù ai đó nói gì về bạn hoặc làm gì đối với bạn chăng nữa thì bạn cũng không nên vì điều đó mà ghét bỏ chính mình. Bạn là người có giá trị. Hãy tin vào điều đó và hãy biến niềm tin thành hành động bằng cách vượt lên trên bất cứ lời đồn đại, bình phẩm hay sự xúc phạm nào.
Kẻ bắt nạt muốn bạn tin rằng bạn không có giá trị như bạn vốn có, bởi vì việc hạ thấp bạn khiến kẻ bắt nạt cảm thấy mình vượt trội. Bạn không cần phải tham gia trò chơi đó. Thay vào đó, bạn hãy tập trung phát triển những khả năng, tài năng của mình. Chúa sẽ lo liệu những việc còn lại. Niềm vui và sự mãn nguyện sẽ đến khi bạn bước trên con đường được tạo ra dành cho bạn và chỉ dành cho bạn mà thôi.
Sự ngược đãi quá quắt
Một cách để tiến lên phía trước theo hướng tích cực nếu bạn đang bị bắt nạt hoặc bị hăm dọa là tập trung vào việc giúp đỡ người khác và tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ, điều mà tôi cam đoan rằng cũng sẽ tạo ra sự thay đổi tuyệt vời trong cuộc sống của bạn.
Trong những chuyến đi khắp thế giới tôi đã gặp rất nhiều những con người tận tâm và không vị kỷ. Họ đã vượt lên những thách thức của mình bằng cách tìm đến để chia sẻ và giúp đỡ người khác. Vài người trong số họ đã bị bắt nạt, bị đe dọa vì những nỗ lực của họ, tuy nhiên họ vẫn bền gan vững chí.
Như tôi đã nói, có nhiều kiểu bắt nạt xảy ra trên đời này. Bất cứ lúc nào ai đó cướp đi sự an toàn, tự do và bình yên của người khác thì có nghĩa người ấy đã vi phạm nhân quyền. Bắt nạt là một kiểu vi phạm nhân quyền mà hầu hết mọi người đều trải nghiệm. Những kiểu vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất xảy ra trên thế giới ngày nay gồm tội diệt chủng, phân biệt chủng tộc, khủng bố niềm tin tôn giáo hoặc khuynh hướng tình dục, nô lệ tình dục, buôn người, gây tàn tật cho người khác.
Tôi đã từng chứng kiến những hành vi xâm phạm nhân quyền khủng khiếp dưới nhiều hình thức trên khắp thế giới. Trong cuốn Cuộc sống không giới hạn, tôi đã viết về “Phố chuồng nhốt”, trung tâm của những ổ mại dâm và nô lệ tình dục ở những khu ổ chuột thuộc Mumbai, Ấn Độ, nơi mục sư K. K. Devaraj, người sáng lập tổ chức Bombay Teen Challenge (Tổ chức giúp đỡ những trẻ mới lớn gặp khó khăn ở Bombay, viết tắt là BTC) đã làm việc không biết mệt mỏi nhằm giảm nhẹ sự bất hạnh của những phụ nữ và trẻ em bị nô dịch hóa, bị lạm dụng thân thể, bị lâm vào cảnh bần cùng, bị mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và nghiện ma túy.
Đoàn mục sư của tôi ủng hộ việc làm phi thường của mục sư Devaraj ở Mumbai, và tôi rất vui mừng khi được biết thêm một người Cơ Đốc nữa đã biến niềm tin của mình thành hành động để quyên góp cho tổ chức Bombay Teen Challenge. Thực ra, con người phi thường đó vừa là người theo đạo Cơ Đốc vừa là một cầu thủ bóng chày.
Vào tháng 1 năm 2011 cầu thủ bóng chày nổi tiếng R. A. Dickey của đội New York Mets đã có một chuyến leo núi lên đỉnh cao 5.895 mét của dãy Kilimanjaro ở châu Phi để gây quỹ cho tổ chức BTC. Tôi đánh giá cao những gì R. A. Dickey đã làm qua chuyến leo núi của mình vì tổ chức BTC của mục sư Devaraj, nhất là khi đội Mets nói với ngôi sao của họ rằng nếu anh bị thương trong chuyến leo núi đó thì hợp đồng trị giá 4,5 triệu USD mà anh ký với đội sẽ không còn hiệu lực.
Có nhiều người trên thế giới đã và đang biến niềm tin của mình thành hành động để tranh đấu vì quyền con người và để chống lại sự ngược đãi nhằm vào những người yếu ớt, thấp cổ bé họng.Một trong những người tận tâm nhất mà tôi biết là một người phụ nữ trẻ thông minh và có thể dễ dàng tập trung vào phát triển sự nghiệp của một luật sư ở California. Tôi đã gặp Jacqueline Isaac, cũng khoảng tuổi tôi, qua cha mẹ của cô, ông Victor và bà Yvette.
Jacqueline Isaac, mà tôi coi là người em gái thứ hai của mình, giờ đây là một nhân vật quan trọng trên phạm vi quốc tế.
Là người Mỹ gốc Ai Cập, lần đầu tiên sang Ai Cập khi còn là một cô bé mới lớn, Jacqueline đã không khỏi bàng hoàng trước sự bất công mà phụ nữ ở quốc gia này phải chịu đựng và thực sự bị sốc khi biết một số phụ nữ là họ hàng của cô đã trở thành đối tượng của một hủ tục đáng sợ: hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục.
Khi cô hỏi những người lớn, thậm chí cả những người thuộc giới tăng lữ về sự bất công đó, họ không thừa nhận rằng hủ tục đó vẫn còn tồn tại trong xã hội Ai Cập. Những người khác nói rằng việc đó được thực hiện nhằm “bảo vệ” những cô gái trẻ khỏi việc hoạt động tình dục trước hôn nhân.
Quỹ Nhi đồng Liêp hiệp quốc (UNICEF) ước tính có 140 triệu phụ nữ trên thế giới trở thành đối tượng bị ảnh hưởng của các hủ tục tàn nhẫn vẫn còn tồn tại một cách phổ biến ở Ai Cập, Ethiopia, và tại một số cộng đồng ở Kenya và Senegal. Nhiều người ở các quốc gia đó tin rằng hủ tục nói trên, hủ tục được thực hiện đối với trẻ em từ sơ sinh cho tới mười lăm tuổi, được thi hành vì yêu cầu của tôn giáo họ, mặc dù không tôn giáo lớn nào yêu cầu phải duy trì thủ tục này.
Những người khác tin rằng việc cắt bỏ bộ phận sinh dục giúp bảo vệ các em gái khỏi quan hệ tình dục cho tới khi họ sẵn sàng bước vào hôn nhân. “Tất cả những gì em biết là, những bé gái đã bị cắt bỏ một phần cơ thể và điều đó thật khủng khiếp”, Jackie tâm sự với tôi. “Những chuyện đó khiến em bị sốc. Nếu như không nhờ ân phước của Chúa thì em có thể đã là một trong những em gái đó. Em may mắn là một người Mỹ gốc Ai Cập, và em cảm thấy em có trách nhiệm giúp những phụ nữ ở quê hương mình hiểu rõ quyền và sự tự do của họ”.
Sau khi Jackie trở về Mỹ học tập và lấy được bằng về luật, cô trở thành một luật sư bảo vệ nhân quyền ở Ai Cập, châu Á và châu Phi, Trung Đông. Cô thường xuyên thực hiện các chuyến đi tới các vùng nông thôn ở Ai Cập và các nước khác trong các chiến dịch bảo vệ quyền con người. Nhiều lần các thủ lĩnh tôn giáo và các nhà lãnh đạo cộng đồng cố che đậy hoặc nói sai sự thật về những hủ tục vẫn tồn tại trong cộng đồng của họ.
Khi Jacqueline biết được rằng một giáo sĩ lớn tuổi bảo các bà mẹ trong giáo đoàn của ông ta phải để con gái của họ chịu hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục, cô đã đương đầu với ông ta. Ông ta nói với cô rằng: “Thà bị cắt mất cánh tay phải còn hơn để cả cơ thể cô bị thiêu ở địa ngục”, ý nói để các cô gái bị cắt bỏ một phần cơ thể còn hơn để họ có nguy cơ hoạt động tình dục ngoài hôn nhân.
Vì các bác sĩ và các bệnh viện không thực hiện hủ tục phạm pháp này, việc cắt bỏ bộ phận sinh dục đôi khi được tiến hành tại tiệm hớt tóc hoặc bởi các bà đỡ hoặc các giáo sĩ. Jacqueline đã đặt mình vào hiểm nguy khi cô lên tiếng chống lại hủ tục có tính chất ngược đãi này cũng như những hủ tục tàn nhẫn khác. Nhưng cô cảm thấy mình cần phải biến niềm tin thành hành động vì ở một số quốc gia vẫn còn tồn tại sự áp bức bất công đối với quyền của phụ nữ và các em gái.
“Một lần, tim em như đập loạn lên khi em đi cùng với một bác sĩ kiêm mục sư đến để nói chuyện với ba trăm người đàn ông ở một ngôi làng. Ông bác sĩ kiêm mục sư dường như cũng tê liệt vì lo sợ. Chúng em biết sẽ có sự phản đối, vì vậy em cầu nguyện, xin Chúa cho em biết nên nói gì với những người đàn ông đó. Họ không biết chúng em đến để nói về vấn đề gì. Em sợ họ sẽ giết em khi em nói với họ rằng cắt bỏ bộ phận sinh dục của phụ nữ là một hủ tục xấu xa, độc ác.”
Jackie giải thích cho những người đàn ông hiểu rằng nhiều người vợ không muốn quan hệ tình dục bởi vì họ đã bị cắt một phần bộ phận sinh dục từ khi còn bé và việc đó khiến họ đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Thường thì việc một người phụ nữ lạ đến đề nói về vấn đề tình dục với những người đàn ông ở đây được xem là một điều gây khó chịu, nhưng những người đàn ông tại ngôi làng đó đã phản ứng bằng cách xin Chúa tha thứ cho họ và thề sẽ không cho phép hủ tục cắt bỏ bộ phận cơ thể được tiếp diễn nữa.
Tâm niệm lời dạy trong Kinh Thánh, “chớ dự vào những việc vô ích của bóng tối, hãy vạch trần chúng thì hơn”, tôi đã góp sức với Jackie và cha mẹ cô để giúp xóa bỏ những hủ tục bất công đó trong những chuyến đi tới Ai Cập và các nước khác, nhưng sự chứng minh niềm tin bằng hành động của Jackie trong những hoàn cảnh hiểm nguy thật phi thường.
Từ khi cuộc cách mạng mang tên Mùa xuân Ai Cập lật đổ đảng cầm quyền ở Ai Cập vào năm 2011, Jacqueline đã rất tích cực trong các hoạt động bảo vệ hòa bình, xây dựng sự thống nhất, và các nỗ lực vì quyền con người ở quốc gia này. Cô làm việc với các lãnh đạo tôn giáo của đạo Cơ Đốc và đạo Hồi cũng như các học giả, các nhà hoạt động xã hội và các nhà hoạt động cách mạng trẻ tuổi để đem đến một thỏa thuận về hòa bình và nhân quyền được biết với cái tên Kế hoạch hành động và Hiệp ước hòa bình Cannes cho Ai Cập. Với những đóng góp của mình cho Ai Cập, Jacqueline đã được mời làm đại diện tại Mỹ của Family House, một ủy ban của các lãnh đạo tôn giáo ở Ai Cập, để thúc đẩy và khuyến khích sự hợp tác giữa người Cơ Đốc giáo và người đạo Hồi.
Jacqueline nói với tôi: “Vâng, đôi khi em phải đương đầu với hiểm nguy, nhưng niềm đam mê giống như một ngọn lửa ở trong tim em vậy. Em cũng có những lúc sợ hãi và lo lắng về việc mình đang làm, nhưng em không thể dập tắt niềm đam mê này, và sau khi cuộc cách mạng xảy ra tại Ai Cập, có những cơ hội để tạo ra sự thay đổi tích cực. Vậy nên bây giờ em bước từng bước một trên con đường góp phần tạo ra sự thay đổi đó”.
Những bất công như nạn bắt nạt, phạm tội vì thù hận, ngược đãi tôn giáo và những hành động vi phạm nhân quyền khác gây ra nhiều đau khổ và bất hạnh cho con người trên thế giới. Tôi sẽ không khuyên bạn đặt mình vào hiểm nguy như Jackie đã làm, nhưng nếu bạn là một nạn nhân của những bất công, hoặc nếu bạn biết người nào đó đang bị ngược đãi, bạn hãy báo cho ai đó có khả năng giúp đỡ. Hãy biến niềm tin thành hành động để chống lại áp bức và bất công theo bất cứ cách nào bạn có thể. Và trong hầu hết các trường hợp, bạn hãy cầu nguyện cho một thế giới mà trong đó mỗi cá nhân đều được phép sống trong bình yên.
Bạn cũng sẽ cùng tôi cầu cho thế hệ này sẽ là thế hệ có thể làm cho những người đứng ngoài cuộc trở thành những người sẵn sàng giúp đỡ những ai bị bắt nạt, áp bức. Hãy cầu nguyện cho trường học của bạn, hãy cầu nguyện cho những kẻ hay bắt nạt người khác, hãy cầu nguyện cho trái tim bạn, hãy cầu nguyện rằng tất cả chúng ta sẵn sàng thực hiện mọi cách để tạo ra sự đổi thay tốt đẹp trên thế giới này.
Đón đọc kỳ 19: Từ bỏ để vươn cao hơn
0 comments: