Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng kỳ 13: Thể xác yếu ớt, tinh thần mạnh mẽ
Trong cùng một năm, Rachel Willisson ở Cranbrook, thuộc tỉnh British Columbia, Canada, mất mẹ chồng, bà, bố đẻ, và chú chó cưng của cô. Điều tích cực duy nhất trong thời gian đó là việc cô mang thai đứa con thứ hai, và đó là một diễm phúc bởi lần có thai này đến dễ dàng sau khi vợ chồng cô đã rất vất vả trong nhiều năm mới có đứa con đầu lòng.
Tháng 11 năm 2007, chỉ hai tháng sau khi bố cô qua đời, kỹ thuật viên siêu âm nói với Rachel và chồng cô rằng thai nhi hai mươi tuần tuổi trong bụng cô có biểu hiện bất thường. Một chuyên gia X-quang được mời tới, và sau khi kiểm tra kỹ hơn, ông nói với vợ chồng cô rằng đứa trẻ trong bụng cô có vẻ như không có tay, và chân của nó ngắn hơn nhiều so với chân của thai nhi bình thường ở cùng giai đoạn phát triển.
“Trong cơn nức nở, tôi lao về nhà và vào Google gõ mấy từ khóa trẻ không tay, không chân”, Rachel kể. “Trên màn hình hiện ra ảnh của một đứa bé trai tóc vàng có khuôn mặt dễ thương, không có chân, không có tay đang ngậm vú cao su! Tôi bắt đầu đọc về cậu bé đó, người khi ấy đã trở thành một chàng thanh niên ngoài hai mươi tuổi, và tôi xem tất cả những video có thể tìm thấy trên mạng internet về chàng thanh niên ấy. Tôi không thể rời mắt khỏi màn hình. Tôi xem tới mười, mười lăm video clip, và khi tôi xem hết clip này đến clip khác, tôi cảm thấy bình tâm hơn.”
Những ý nghĩ đầy sợ hãi và tiêu cực đã tấn công cô lúc ban đầu dần dần được thay thế bởi những ý nghĩ tích cực, chứa đựng niềm hy vọng. Nếu chàng trai không chân, không tay này vẫn sống ổn, thì con mình cũng sẽ ổn thôi. Chàng trai đó đang sống rất tốt. Cậu ấy có vẻ hạnh phúc và tràn đầy lạc quan. Cậu ấy đi khắp thế giới. Chúng tôi có thể đương đầu với sự thật này; con của chúng tôi sẽ ổn thôi.
“Mọi điều chàng trai đó nói trong các video đã khiến tôi bình tâm và mang đến cho tôi sự thanh thản. Tôi hiểu rằng Chúa đã an ủi trái tim tôi bằng cách nói với tôi rằng nếu Nick Vujicic có thể trở thành một con người tuyệt vời thì con của chúng tôi cũng có thể!”, cô kể lại.
Vâng, “cậu bé tóc vàng dễ thương đó” chính là tôi, dù bạn tin hay không. (Cảm ơn Rachel! Ít nhất là có hai chúng ta nghĩ rằng tôi rất dễ thương.) Sau khi tìm thấy bức ảnh của tôi hồi nhỏ, đọc những thông tin, và xem các video của tôi, Rachel và chồng chị, Craig Willisson ý thức được rằng đứa con sắp chào đời của họ có thể sống một cuộc sống bình thường, thậm chí một cuộc sống tốt đẹp. Vậy nên khi bác sĩ của họ gợi ý rằng họ có thể bỏ cái thai, họ đã trả lời: “Không, tuyệt đối không!”.
“Tôi nghĩ lúc đó tôi đã nói ‘không!’ mà không cần phải suy nghĩ một giây!”, Rachel nói. “Chúng tôi đã chờ đợi mười năm trời tôi mới có thể mang thai đứa con gái đầu lòng, Georgia, và tôi không thể chịu nổi ý nghĩ giết chết đứa con tôi đang mang trong bụng, bé Brooke. Có thể trong con mắt người đời, con tôi không hoàn hảo, nhưng trong mắt chúng tôi nó vẫn tuyệt vời như mọi đứa trẻ khác. Chúng tôi hiểu rằng đứa con này có mặt trên đời là có lý do – lý do của Chúa, không phải lý do của tôi”.
Rachel và Craig quyết định rằng họ sẽ nuôi nấng “kiệt tác bé bỏng” của họ như cha mẹ tôi đã nuôi nấng tôi. Khi Brooke chào đời, gia đình em không chỉ được chuẩn bị tinh thần mà họ còn cảm thấy phấn khởi và hạnh phúc. “Chúng tôi tổ chức ăn mừng”, Rachel nói. “Bệnh viện phải hạn chế người ra vào khoa sản bởi vì có tới ba mươi lăm người thân và bạn bè của chúng tôi tới thăm, tặng hoa, tặng quà cho tôi”.
Hai năm sau ngày Brooke chào đời, tôi gặp cô bé và cha mẹ cùng chị gái của cô. Khi Rachel kể cho tôi nghe cảm giác choáng váng của chị khi nghe chuyên gia X-quang nói về khuyết tật của con gái, rồi cảm giác bình tâm và được an ủi khi chị xem các video của tôi, tôi rất xúc động và cảm thấy biết ơn đến mức không thể ngăn được những giọt lệ trào ra khóe mắt.
Sau khi tôi chào đời, cha mẹ tôi không có được một người nào từng phải đương đầu với hoàn cảnh tương tự để có thể an ủi và động viên họ. Nhưng từ khi tôi gặp gia đình Willisson, cha mẹ tôi đã luôn ở bên họ, chia sẻ những trải nghiệm và hướng dẫn họ cách nuôi nấng một đứa con không chân, không tay. Thật tuyệt vời khi chúng tôi có thể giúp đỡ gia đình họ và cô con gái đáng yêu của họ, cô bé mà vào tháng 2 năm 2012 được tròn bốn tuổi.
“Con bé giống như y như Nick, ngoại trừ một điều nó là con gái”, mẹ cô bé nói. “Nick và con gái tôi đều có lòng quyết tâm, tấm lòng yêu thương và sự ấm áp trong trái tim cũng như thái độ nhiệt tình và vui vẻ đối với cuộc sống, điều đôi khi khiến mọi người kinh ngạc. Nhưng điều tuyệt vời nhất là cảm giác được ôm hai người đó. Khi bạn ôm Nick và Brooke, bởi vì hai người không có tay, bạn cảm thấy được ở gần trái tim họ hơn. Điều đó luôn khiến tôi xúc động.”
Tìm sự an ủi thay vì chìm trong tuyệt vọng
Cha của Brooker là một tấm gương mà tôi đã may mắn được thấy nhiều lần ở các cá nhân và các gia đình phải đương đầu với khuyết tật hoặc bệnh tật. Thay vì tức giận hoặc cay đắng về tình trạng khuyết thiếu chân tay và những thách thức về thân thể khác khiến gia đình gặp khó khăn về kinh tế, Craig Willisson đã đến gần Chúa hơn bao giờ hết.
“Trước kia tôi không chăm đi nhà thờ và cũng không phải là người có đức tin sâu sắc, nhưng chúng tôi đã đặt tên con gái mình là Brooke Diana Grace Willisson theo ân phước của Chúa. Sự ra đời của Brooke rõ ràng đã đưa tôi đến gần Chúa hơn và tôi có cơ hội quen biết nhiều người hơn – gia đình lớn của giáo xứ chúng tôi”, anh nói.
Brooke chào đời không dễ dàng gì. Mẹ của cô bé bị băng huyết. “Nhưng tôi đã thấy Chúa tới và làm cho mọi chuyện ổn cả”, Craig, người đã quyết định chịu lễ rửa tội khi vợ và con gái anh được về nhà khỏe mạnh, nói. “Tôi nghĩ Chúa đã thấy rằng Rachell và tôi là tuýp người có thể đương đầu với những khuyết tật của Brooke. Con gái tôi rõ ràng là một món quà tuyệt vời của Chúa. Từ khi con bé chào đời, Chúa đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Mới đây chúng tôi có hai “thiên thần” bất ngờ xuất hiện trong cộng đồng và đề nghị tài trợ kinh phí cho chúng tôi xây dựng một khu nhà phụ rộng rãi. Tôi cảm thấy Chúa đang đưa mọi người đến gần nhau hơn”.
Tôi giữ liên lạc với Brooke và cha mẹ của cô bé, và điều luôn khiến tôi ngạc nhiên về gia đình đó là họ rất vui vẻ. Tôi không kết luận như vậy một cách thiếu suy nghĩ đâu. Họ có những thách thức, chắc chắn rồi, nhưng phải gặp họ bạn mới hiểu được họ thực sự vui vẻ như thế nào. Brooke giống như một ngọn đèn tỏa sáng thu hút mọi người đến với mình, còn cha mẹ cô bé dường như luôn nâng niu cuộc sống của các con mình.
Vợ chồng Willisson đã biến niềm tin thành hành động trong cách họ đương đầu với những khuyết tật của Brooke. Họ đã chấp nhận rằng Chúa có một kế hoạch dành cho con gái của họ, mặc dù họ không biết kế hoạch đó là gì. Họ nói theo dõi kế hoạch của Chúa dành cho tôi mở ra giúp ích cho họ rất nhiều. Họ biết kế hoạch của Chúa dành cho Brooke có thể hoàn toàn khác, nhưng mỗi ngày họ đều sống với lòng biết ơn và sự hài hước lành mạnh.
Tại sao những người khuyết tật như Brooke hoặc những người mắc bệnh nan y có thể tìm thấy sự bình yên và thanh thản, tận hưởng những gì họ đang có trong cuộc sống, thậm chí vẫn có thể có những đóng góp tích cực cho đời mặc dù họ phải đối mặt với những thách thức của riêng mình? Phải chăng vì những người đó không cho phép các vấn đề về thể chất làm khuyết tật tinh thần của họ? Phải chăng họ đã chọn tập trung vào những gì tốt đẹp trong cuộc sống của họ thay vì những điều tồi tệ? Có lẽ vậy. Có lẽ họ đã quyết định buông bỏ những cảm xúc tiêu cực như đau khổ, giận dữ, buồn sầu và để những vấn đề cho Chúa giải quyết.
Hầu hết những người phải đấu tranh với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc những khuyết tật nặng nề hàng ngày, bằng cách nào đó, đều hành động theo niềm tin. Thường thì đó là niềm tin dành cho các bác sĩ và y tá của họ hoặc vào những loại thuốc mà họ đang dùng, vào các phương pháp điều trị và các thiết bị y tế. Chấp nhận sự chăm sóc y tế có thể được coi là một biểu hiện cho thấy bạn có niềm tin. Chúa đã mang đến cho bạn cơ hội được hưởng sự phục vụ của những con người tài năng, có chuyên môn. Nếu bạn khát nước, hiển nhiên bạn muốn làm dịu cơn khát, nhưng chắc chắn bạn sẽ dễ dàng chấp nhận một cốc nước được đưa cho bạn bởi một bàn tay ân cần, đúng không? Điều đó cũng giống như việc Chúa dẫn dắt bạn đi đến những quyết định khi bạn có niềm tin vậy.
Bạn không nhất thiết phải là một người sùng đạo mới có thể biến niềm tin thành hành động, nhưng là một người theo đạo Cơ Đốc, tôi phải nói rằng biết Chúa mạnh mẽ khi tôi yếu đuối khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản, và vui vẻ. Tuy nhiên, tôi vẫn ước ao có được sự vui vẻ của Garry Phelps, người bạn mắc bệnh Down của tôi. Cậu ấy năm nay hai mươi lăm tuổi và là một trong những người truyền cảm hứng tuyệt vời nhất mà tôi biết.
Một hôm Garry nghe mấy người bạn của gia đình nói về một đứa bé mới sinh được chẩn đoán mắc hội chứng Down. Một người trong số họ không biết rằng Garry đang nghe họ nói, đã buột miệng: “Ôi, như vậy thì buồn quá”. Garry nhảy lên và nói: “Ồ, cháu nghĩ như vậy thật tuyệt!”.
“Tại sao cháu lại nói thế, Garry?”, một người hỏi. “Bệnh Down đối với cháu nghĩa là gì mà cháu lại nói như vậy?”.
“Bệnh Down có nghĩa là chú yêu tất cả mọi người và chú không bao giờ làm tổn thương một ai!”, Garry đáp.
Bạn của tôi đã tìm thấy cái lợi, điểm tích cực trong tai ương nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Người ta nói rằng những người mắc hội chứng Down bị khuyết tật về mặt trí tuệ, tuy nhiên tôi phải nói rằng Garry có lẽ còn thông minh sáng suốt hơn nhiều người trong số chúng ta. Cậu đã chọn tập trung vào điều may trong cái rủi.
Garry sống hết mình và rất năng động, cậu viết văn, hát, thu âm các bài hát và tập thể thao mỗi ngày. Tôi chưa bao giờ thấy cậu ấy “down”[1]. Cậu yêu Chúa bằng cả trái tim mà không gợn chút hoài nghi, và tình yêu đó được bộc lộ một cách dễ dàng và thoải mái trong những lời cầu nguyện chân thành và rất ý nghĩa của cậu.
Tại sao lại là tôi?
Giống như hầu hết mọi người khuyết tật hoặc những người có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, trong suốt một thời gian dài tôi cứ đau đáu với câu hỏi tại sao Chúa giàu lòng yêu thương lại đặt gánh nặng này lên tôi. Đó là một câu hỏi tự nhiên và là một câu hỏi quan trọng. Nếu Chúa yêu mỗi người và tất cả mọi người, thì tại sao Người lại cho phép bất cứ ai cũng có thể bị bệnh tật đau đớn, thậm chí bệnh nguy hiểm chết người tấn công? Tại sao Người lại để cho nhiều người, đặc biệt là các trẻ em phải chịu đau đớn? Hãy nhìn xa hơn: làm thế nào Chúa, đấng linh thiêng yêu tất cả mọi sự sáng tạo của người lại để cho những bi kịch như tai nạn giao thông thảm khốc, động đất, sóng thần, chiến tranh gây thương tật và giết hại con người? Những chuyện bom đạn, bắn giết, đâm chém, những vụ tấn công đầy bạo lực và những sự kiện đau thương khác xảy ra quá phổ biến thì sao?
Tôi đã hỏi những câu hỏi đó khi tôi còn nhỏ, cố hiểu các cách của Chúa, và cũng đã nhiều lần nhiều người tìm đến tôi cũng đã hỏi những câu hỏi đó. Sự khuyết thiếu chân tay của tôi đã đưa nhiều người khuyết tật đến với tôi và nhiều người trong số họ đã hỏi rằng tôi trả lời những câu hỏi đó như thế nào. Thường thì những người đó có những thách thức lớn hơn nhiều so với những thách thức của tôi, chẳng hạn như bệnh xơ nang, ung thư, bại liệt, mù lòa. Hầu hết họ đều tìm kiếm câu trả lời từ phía tôi cho câu hỏi “tại sao lại là tôi?”, nhưng trong một số trường hợp, họ tự đưa ra câu trả lời của riêng mình. Tôi đã nhận được một bức thư điện tử từ một thanh niên trẻ tên là Jason, người đã thoát chết một cách hi hữu trong một vụ tai nạn xe hơi khủng khiếp.
Jason đang ở trên một chiếc xe hơi do một người bạn của gia đình cậu điều khiển thì bỗng nhiên người bạn đó không kiểm soát được tay lái và để xe đâm thẳng vào dải phân cách khiến chiếc xe bị lật nhào. Sọ của Jason bị vỡ, bốn vùng não của anh bị tổn thương. Anh gặp may vì có một chiếc xe cấp cứu ở gần đó. Jason phải phẫu thuật để loại bỏ một phần sọ bởi não của anh bị sưng. Anh bị hôn mê suốt hai tuần. Khi tỉnh lại, nửa người bên phải của anh bị liệt và anh gặp khó khăn về nói và khứu giác của anh bị tổn thương. Trong quá trình Jason hồi phục sau phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện ra rằng anh đã bị vỡ mũi và xương đòn. Anh phải nằm viện thêm một tháng nữa. Anh phục hồi được khả năng nói, nhưng nửa người bên phải của anh vẫn bị liệt và anh còn phải đương đầu với những thách thức khác nữa.
“Thoạt đầu tôi sợ rằng mọi người sẽ không đối xử với tôi như trước nữa”, anh nói. “Nhưng rồi tôi cảm thấy rằng Chúa ở bên tôi và rằng tôi sẽ ổn. Từ đó đến nay cách nhìn của tôi về thương tật mà tôi mang trên người đã thay đổi một trăm phần trăm. Tôi từng hỏi, tại sao lại là tôi? Tại sao lại là tôi? Nhưng bây giờ tôi nói: “Tại sao lại không phải là tôi chứ?”. Mọi người hỏi Jason, sau nhiều điều tồi tệ đã xảy ra với anh như vậy liệu anh còn tin ở Chúa hay không. Jason trả lời: “Tôi trả lời rằng Chúa đã cứu sống tôi. Làm sao tôi lại không tin ở Người được cơ chứ?”.
Tôi có cùng quan điểm với Jason. Tôi không tin rằng Chúa gây ra đớn đau, bệnh tật hay mất mát. Nhưng tôi tin rằng Chúa tìm ra cách cho chúng ta sử dụng những điều không may mắn vì mục đích tốt đẹp. Trong trường hợp của Jason, Chúa đã cho anh sống sót và làm cho anh mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần. Giờ đây Jason trân trọng từng ngày được sống hơn hồi anh chưa bị tai nạn.
[1] “down” trong tiếng Anh có nghĩa là chán nản, thất vọng.
Đón đọc kỳ 14: Nghịch cảnh tạo ra sức mạnh
0 comments: