Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng kỳ 16: Hãy sẵn sàng giúp đỡ


Hal một lần nữa đã nhắc tôi nhớ rằng nếu chúng ta chưa nhận được phép màu mà chúng ta hằng cầu xin thì điều tốt nhất để làm là trở thành một phép màu đối với người khác! Nếu bạn đã chiến thắng ý định tự hủy hoại mình, thì tôi khuyến khích bạn hãy tìm đến với những người khác, những người đang cần ai đó giúp họ vượt qua thách thức của bản thân.

Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng kỳ 16: Hãy sẵn sàng giúp đỡ
Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng kỳ 16: Hãy sẵn sàng giúp đỡ

Có thể bạn cảm thấy rằng người nào đó mà bạn biết - một người thân trong gia đình, một người bạn hoặc một đồng nghiệp của bạn - đang chìm trong tuyệt vọng? Một trong những điều lớn lao nhất mà bạn có thể làm là tìm đến với người đó để họ biết rằng mình được quan tâm.

Những thách thức phổ biến nhất châm ngòi cho những ý nghĩ tự hủy hoại bản thân là quan hệ tình cảm tan vỡ, những khó khăn về tài chính, bệnh hiểm nghèo, sự thất bại của cá nhân như mất việc làm hoặc thi trượt, một trải nghiệm gây chấn thương tâm lý như một vụ tai nạn hoặc một vụ giết chóc, và việc mất người thân, hoặc thậm chí là mất một con thú cưng.

Khi tôi nghe thấy ai đó nói “Nếu Nick có thể làm được điều đó, thì tôi cũng có thể làm”, tôi cảm thấy sự chịu đựng trước những thử thách liên quan đến khuyết tật của mình đã không uổng phí. Chúng ta có thể là món quà, thậm chí là phép màu dành cho người khác, và đó chính là bằng chứng sống cho thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn có hy vọng.

Trong khi bạn không thể biết được những gì diễn ra trong tim người khác, luôn có những dấu hiệu cảnh báo để bạn cảm thấy ai đó đang ở bên bờ vực của sự tự hủy hoại bản thân. Nếu bạn nhận thấy những hành vi sau đây, thì tôi khuyên bạn hãy ở bên người cần giúp đỡ bất cứ khi nào có thể.

Theo các chuyên gia, sự thất vọng sâu sắc hoặc tình trạng trầm cảm, những cảm xúc tiêu cực có thể dẫn tới việc tự hủy hoại bản thân hoặc những ý nghĩ tự sát có thể biểu hiện qua những hành vi:

· những thay đổi bất thường trong thói quen ăn, ngủ

· sự thu mình lại, tránh tiếp xúc với bạn bè, gia đình và tránh tham gia các hoạt động thường nhật

· những hành động bạo lực, hành vi nổi loạn, hoặc bỏ trốn

· dùng thuốc quá liều hoặc lạm dụng rượu cồn

· không để ý đến diện mạo của bản thân

· ủ rũ kéo dài, khó tập trung, hoặc biếng nhác trong các hoạt động ở trường học

· thường phàn nàn về các triệu chứng của cơ thể, chủ yếu liên quan đến cảm xúc như chứng đau dạ dày, đau đầu, mệt mỏi

· không còn quan tâm đến những hoạt động ưa thích trước kia

· thiếu sự khoan dung trong việc khen ngợi

· Đem cho hoặc vứt bỏ những tài sản riêng hoặc đồ dùng cá nhân

· Trở nên vui vẻ một cách bất thường sau một giai đoạn trầm cảm

Có thể ngoài những dấu hiệu nói trên còn có những dấu hiệu khác, và những dấu hiệu đó không hẳn là bằng chứng chắc chắn, nhưng nếu một người nào đó mà bạn biết đã từng trải qua sự chấn động tâm lý, thì sẽ là báo động nếu như họ lặp đi lặp lại những lời nhận xét tiêu cực như: “Cuộc sống quá phức tạp”, “Cuộc đời này ghét mình”, “Mình là kẻ thất bại”, hoặc “Mình không thể chịu đựng nổi cuộc sống này nữa"...

Những người bạn thực sự

Thường thì những người đang đau khổ không muốn nói về các vấn đề của họ. Đừng thúc ép họ, nhưng hãy trò chuyện cởi mở và chân tình với họ, không khuyên răn hay phán xét gì. Hãy cứ ở bên họ, bầu bạn với họ và hãy để cho họ biết rằng sự quan tâm của bạn có thể tạo ra sự thay đổi tích cực. Bạn không phải giải quyết các vấn đề của họ. Thực ra, bạn có thể không đủ khả năng để giải quyết các vấn đề của họ trừ khi bạn là một chuyên gia về sức khỏe tâm thần.

Kate gửi cho tôi một bức thư điện tử cảm ơn tôi đã đến gặp người bạn thân nhất của cô trong một buổi diễn thuyết. Nhưng điều thực sự gây ấn tượng đối với tôi chính là cái cách Kate ở bên cạnh người bạn của mình, luôn ở bên bạn mặc dù làm như vậy chẳng dễ dàng gì. Cô kể rằng người bạn lâu năm của cô “bắt đầu đi chệch đường” khi họ vào học trung học. Người bạn đó bị chẩn đoán mắc chứng trầm cảm và đã từng tự hủy hoại bản thân. Cô ấy cũng mất hết niềm tin.

“Cái khó nhất là thời gian đó em đã không hiểu tại sao bạn của em lại rơi vào tình trạng đó”, Kate viết. Thường thì bạn bè và gia đình của những người rơi vào tâm trạng đau khổ không thể hiểu được tại sao người thân của mình lại đau khổ đến như vậy. Nguyên nhân của tình trạng đau khổ không thể được lý giải bởi có thể chính bản thân người đang tự hủy hoại mình cũng không hiểu tại sao mình lại như vậy. Hoặc có thể chấn thương tâm lý quá lớn và họ không thể sẻ chia. Tôi đặc biệt ấn tượng khi biết mặc dù Kate không hiểu được những hành động và cảm xúc của bạn mình, cô vẫn ở bên bạn ngay cả những lúc bạn cố tình đẩy cô ra xa.

“Trong suốt thời gian đó em cố gắng hết sức giúp bạn thoát ra khỏi tình trạng đáng ngại đó. Nhưng vì em thực sự là một người hạnh phúc, luôn sống một cách đầy nhiệt tình, nên cô ấy không muốn gần gũi em nữa, nhưng em vẫn không ngừng cố gắng”, Kate viết. “Năm ấy bạn em cố tự tử hai lần, và điều đó khiến em hiểu rằng cô ấy nghĩ không có lý do gì để cô ấy tiếp tục tồn tại trên đời này”.

Một tháng sau khi người bạn của Kate tự tử bất thành lần thứ hai, tôi có mặt tại trường của họ để diễn thuyết.

“Em ngồi cạnh bạn, và cô ấy không rời mắt khỏi anh trong suốt thời gian anh có mặt ở đó. Những gì anh nói chắc chắn đã tác động đến cô ấy, bởi vì trong khi anh nói cô ấy nở nụ cười, nụ cười đầu tiên trong suốt một thời gian dài”, Kate viết trong thư. “Sau khi bài diễn thuyết của anh kết thúc, bạn em khăng khăng đòi gặp anh để ôm anh và cô ấy đã thực hiện được mong muốn đó. Tối hôm ấy sau khi anh rời khỏi trường của chúng em, cô ấy nói với em rằng anh đã bắt đầu giúp cô ấy tìm lại niềm tin”.

Kate cho biết thêm rằng buổi diễn thuyết của tôi hôm đó đã đánh dấu sự khởi đầu của hành trình thoát ra khỏi tuyệt vọng và sự tự hủy hoại mình của bạn cô. Cô viết thư cảm ơn tôi vì “đã trả về cho cô ấy người bạn thân nhất”, nhưng thực ra chính sự trung thành, gắn bó và tận tâm mà Kate dành cho bạn của mình đã làm cho tình bạn của họ trở lại như xưa.

Đôi khi thật không dễ để ở bên một người bạn hoặc một người thân đang phải đương đầu với sự chán nản hoặc chứng trầm cảm. Sự trung thành, gắn bó của bạn sẽ được thử thách. Bạn có thể cảm thấy bị tổn thương, bị coi thường hoặc bị bỏ mặc. Tôi sẽ không khuyên bạn cho phép người khác đối xử tệ với mình. Nếu điều đó xảy ra, bạn hãy giữ một khoảng cách an toàn, nhưng hãy làm bất cứ điều gì có thể giúp ích cho người đang cần giúp đỡ. Việc đó có thể đơn giản chỉ là có mặt bên cạnh, lắng nghe tâm sự khi người ấy mở lòng; và bằng sự quan tâm của mình, hãy đảm bảo với người ấy rằng anh ấy (cô ấy) luôn được yêu thương, tôn trọng.

Nếu bạn cảm thấy một người nào đó đang gặp những vấn đề vượt ngoài khả năng giải quyết của bạn thì bạn nên liên hệ với một người cố vấn có chuyên môn, một người hỗ trợ tinh thần đáng tin cậy hoặc một chuyên gia về sức khỏe tâm thần và hãy tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia đó để biết phải làm gì.

Hầu hết các cộng đồng đều có đường dây nóng để tư vấn và giúp đỡ những trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc có ý định tự vẫn. Bạn có thể tìm thấy các địa chỉ này trên mạng Internet và có thể nhận được những lời khuyên về sức khỏe tâm thần, sự tư vấn tâm lý cho các trường hợp có nguy cơ tự vẫn, tự hủy hoại mình.

Hãy tìm đến với nhau

Tôi thật lòng khuyên bạn hãy tìm sự tư vấn từ các chuyên gia và các nhà chuyên môn khi bạn cố gắng giúp một người nào đó đang có nguy cơ tự hủy hoại bản thân, nhưng nếu người đó muốn nói chuyện với bạn thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội đó. Cách đây không lâu, tôi đến diễn thuyết tại một nhà thờ. Sau khi diễn thuyết tôi chỉ muốn về thẳng nhà. Tôi mệt và đói cồn cào mà ở bên ngoài trời thì lạnh giá. Chúng tôi đang đi ra xe thì tôi bất chợt nhìn thấy một cô gái trẻ ngồi ở bên ngoài nhà thờ trong cái rét căm căm. Đầu cô cúi gục, hình như cô đang khóc. Tôi thèm được ăn uống, sưởi ấm và nghỉ ngơi, nhưng Chúa đã chạm vào trái tim tôi và bảo tôi hãy đến với cô.

Natalie bị chi phối bởi ý định tự tử. Mười bốn tuổi, cô bỏ nhà ra đi, vẫy xe đi nhờ mà không biết mình sẽ tới đâu. Một người lạ đã thả cô xuống bên ngoài nhà thờ đó. Có thể việc tôi diễn thuyết ở đó là một điều tình cờ, nhưng cũng có thể một lần nữa Chúa đã tiết lộ kế hoạch của Người, kế hoạch không cho phép tôi kết thúc cuộc đời mình nhiều năm trước. Natalie đã trải lòng với tôi. Cô cảm thấy cuộc sống của cô hoàn toàn không có ý nghĩa. Cô quẫn trí khi nói với tôi rằng cô định tự tử ngay trong đêm đó. Tôi không phán xét, chê trách cô cũng không cố giải quyết vấn đề của cô. Thay vì làm thế, tôi kể cho cô nghe chuyện của mình, về cảm giác tuyệt vọng và đau khổ mà tôi đã trải nghiệm khi tôi còn nhỏ. Tôi nói với Natalie rằng tôi từng trải qua những gì cô đang trải qua, nhưng cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi.

Lời tôi nói đã khiến cô xúc động. Natalie nói rằng cô rất cần nói chuyện với một người nào đó thấu hiểu những gì cô đang trải qua mà không phán xét và lên án cô. Tôi đã nói với cô rằng có những cách để biến nỗi buồn thành niềm vui, giống như trong trường hợp của tôi. Tôi cầu nguyện cùng cô. Mục sư và những người làm việc trong nhà thờ cố vấn cho cô, dành cho cô sự hỗ trợ và giúp đỡ cần thiết để cô quay về với bố mẹ và vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Giờ đây Natalie đã thoát khỏi những ý nghĩ thôi thúc cô tự hủy hoại bản thân và không còn nghĩ đến chuyện tự tử nữa. Chúng tôi đã kể câu chuyện của cô trong video mang tên “Truyền lửa” trên trang web của tổ chức Life Without Limbs. Bạn có thể tưởng tượng được đêm hôm ấy khi lên xe trở về nhà, tôi đã cảm thấy tràn ngập lòng biết ơn. Chúa đã dẫn Natalie đến với tôi để tôi có thể biến niềm tin thành hành động, có thể khích lệ cô làm điều tương tự. Nếu bạn gặp một người nào đó đang rơi vào tình trạng chán nản và tuyệt vọng, bạn hãy tìm cách giúp đỡ hoặc dẫn dắt người ấy thoát ra khỏi tình trạng đó. Chính bản thân bạn cũng có thể trở thành một phép màu đối với ai đó. Thật hạnh phúc biết bao khi được trở thành một phép màu như thế!

Tôi lo rằng có nhiều người khác giống như Natalie không được giúp đỡ. Có cả một thế hệ mất mát đang có nguy cơ tự hủy hoại mình bởi vì họ không có hy vọng, không có niềm tin để biến niềm tin thành hành động. Bạn nên biết rằng đôi khi có những trường hợp rất khó gần – có thái độ thù địch với các chuyên gia, khó tiếp cận – và đó là những người cần sự giúp đỡ của bạn nhất. Khi tôi diễn thuyết tại các trường học, thậm chí tại các nhà tù, thường những người phản ứng trước những thông điệp của tôi bằng cảm xúc mạnh mẽ nhất lại là những người thoạt nhìn tôi có cảm giác họ muốn ở đâu đó khác chứ không phải muốn có mặt tại đấy để nghe anh chàng Nick có vẻ ngoài dị biệt diễn thuyết.

Nhìn bề ngoài Gina có vẻ như là một cô bé mới lớn không muốn nhận sự giúp đỡ, mặc dù cô rất cần được giúp đỡ. Gina đã kể cho tôi nghe chuyện của của cô qua một bức thư điện tử, tả lại tuổi thơ bị ngược đãi và đầy sóng gió của cô. “Trái tim em nguội lạnh, bị vây hãm bởi một bức tường ngăn cách em với tất thảy mọi điều”, cô viết. Ở tuổi mười hai, cô bắt đầu tự rạch da thịt và làm bầm dập thân thể mình.

“Quỷ Xa-tăng thì thào bên tai em, nói với em rằng đau đớn đó là điều có thực duy nhất. Em thật sự tin điều đó và cố giết nỗi đau tinh thần bằng nỗi đau thể xác, nỗi đau mà em nghĩ em có thể kiểm soát được. Em đã cố tự tử bốn lần, nhưng không thành.”

Mặc dù Gina có thái độ quyết liệt và những vấn đề cảm xúc, em vẫn đi nhà thờ, sinh hoạt cùng nhóm các bạn trẻ, và thực tế cho thấy đó là một may mắn lớn bởi vì nhờ đó mà tôi tìm đến được với em. Tôi đã được mời tới nói chuyện ở nhà thờ nơi em sinh hoạt.

“Khi anh bắt đầu nói, em không để ý lắng nghe lắm, nhưng rồi em không cưỡng nổi. Mọi điều khác lu mờ đi, và anh ở đó, nói với em rằng em có một mục đích sống trên đời này. Khi anh nói rằng vẻ ngoài hoàn hảo chẳng có ý nghĩa gì cả nếu như bạn khuyết tật ở bên trong, em đã nghĩ bức tường vây hãm mình đã bắt đầu rạn nứt”, Gina viết. “Sau đó, mọi điều anh nói đã làm bức tường ấy sụp đổ cho đến khi em ngồi đó, không còn đề phòng gì nữa, để mặc cho nước mắt tuôn trào, và kể từ đó em đã thay đổi.” Gina nói rằng những lời nói giản dị của tôi đã mang đến cho cô niềm hy vọng.

“Bỗng nhiên em có thể làm được điều đó; em có thể sống; em có lý do để sống bởi vì em đặc biệt… Đó có thể chỉ là một ngày bình thường trong cuộc đời anh. Nhưng với em đó là ngày em đã quyết định không đầu hàng, và quan trọng hơn, đó là ngày đầu tiên trong suốt một thời gian dài em không muốn đầu hàng”, cô viết. “Anh đã đến với em, dù anh không có tay để chạm vào tay em, nhưng bằng trái tim mình anh đã chạm tới trái tim em”.

Gina là một người có óc thực tế, người đã vượt qua nhiều điều rất khó vượt qua, nhưng tôi vui khi thấy giờ đây cô đã biến niềm tin thành hành động qua từng ngày, từng ngày với niềm hy vọng trong tim.

“Em chưa hoàn toàn dứt khỏi những chuyện tồi tệ trong đời, nhưng đây là sự khởi đầu của hướng đi đúng”, cô viết. “Qua thời gian, em hy vọng rằng em có thể học được cách dùng bản thân mình như một sự chứng minh giống như anh đang làm, để đến với những con người đang đau khổ và để cho họ biết rằng họ không đơn độc, và rằng có một mục đích sống dành cho họ trên đời này, rằng họ được yêu thương. Anh đã mang đến cho em một trong những điều lớn lao, quý giá nhất. Đó là hy vọng”.

Nếu bạn đang đau khổ như Gina khi đó, thì bạn hãy ghi nhớ lời của cô ấy trong tim và hãy biến niềm tin của bạn thành hành động. Nếu bạn biết một người nào đó đang phải chịu đựng nỗi đau tinh thần, đang phải đấu tranh với những ý nghĩ thôi thúc họ tự hủy hoại bản thân, thì bạn đừng chần chừ mà hãy đến ngay bên cạnh người đó. Thậm chí một thông điệp đơn giản như thông điệp của tôi cũng có thể cứu sống và mang đến cho họ hy vọng về những ngày tốt đẹp hơn.

Đón đọc kỳ 17: Đấu tranh chống lại bất công

0 comments: