Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng kỳ 15: Chiến thắng chính mình
Terri viết thư gửi tới trang web Life Without Limbs của tôi để kể về “hành trình tự làm hại bản thân đầy đau đớn” của cô lúc hai mươi mốt tuổi. Cô nghiện cái cảm giác tự gây ra những vết cắt cho cơ thể mình. Sự thèm khát cảm giác đó mạnh đến mức cô cắt cả động mạch và gân của mình, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng kỳ 15: Chiến thắng chính mình |
“Tôi đã từng như vậy đó”, cô kể về cái thời cô nghiện làm đau chính mình. Trong những chuyến đi, tôi đã được biết nhiều câu chuyện giống như vậy và nó khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần nói rằng những người tự làm đau mình bằng cách dùng dao cứa vào da thịt hoặc tự làm mình bầm tím nhìn chung không cố tự sát, nhưng họ thường gây nguy hiểm cho bản thân. Đó là một cách đối phó, nhưng cũng giống như việc dán băng cá nhân lên một động mạch bị tổn thương, nó không giải quyết được vấn đề thực sự. Những người thường xuyên tự làm đau chính mình thường làm điều đó để tìm kiếm sự giải phóng khỏi nỗi đau tinh thần, những nỗi đau mà trong lúc đau khổ họ cảm thấy không có cách nào khác để thoát ra.
Terri và những người khác nói cảm giác muốn làm đau chính mình là một chứng nghiện, bởi vì hầu hết họ có cảm giác tê liệt hoặc thanh thản trong hành động tự làm tổn thương thể xác khiến họ tiếp tục lặp lại việc đó, mặc dù họ biết nó có hại. Thường thì họ thích làm đau bản thân mình hơn là làm những việc thú vị. Hành động tự làm đau mình như vậy được miêu tả là sự thét gào không lời.
Terri đã viết về nỗi đau khổ dẫn cô tới việc tìm kiếm cảm giác đau đớn về thể xác như một cách giúp cô thoát khỏi cảm giác mình là người vô dụng và cảm giác tự hận mình đè nặng lên trái tim cô. Thật may mắn, cô gái trẻ này chấp nhận sự giúp đỡ từ một chuyên gia. Cô đã có thể dừng lại trước khi ham muốn tự làm hại mình dẫn cô đến cái chết.
Nhờ có sự hướng dẫn và khuyên bảo của chuyên gia và sự quyết tâm của bản thân, trong một năm rưỡi Terri không tự làm đau mình nữa, nhưng sau đó ham muốn ấy lại trỗi dậy trong cô. Một lần nữa chuyên gia đó lại giúp cô kiểm soát những thôi thúc bên trong.
Như một phần của phương pháp điều trị mới, vị chuyên gia đó đã kể cho Terri nghe câu chuyện của tôi và khuyên cô nên xem những video của tôi. Trong thư gửi cho tôi, Terri đã viết rằng hành trình vượt lên nghịch cảnh của tôi đã khiến cô nhìn nhận lại hành trình của bản thân cô:
“Nếu tôi đã học được điều gì đó từ câu chuyện của Nick, thì đó là điều này: cho dù cuộc sống có khó khăn, khắc nghiệt đến mức nào, cho dù tôi có bị cám dỗ ra sao, tôi vẫn nên biết ơn cuộc sống. Tôi nên biết ơn vì tôi có tay. Tôi nên biết ơn vì tôi có chân. Tôi nên biết ơn vì tôi có thể gõ phím máy tính bằng các ngón tay. Tôi nên biết ơn vì tôi có thể tự ăn uống, tự tắm giặt, và tự phục vụ bản thân một cách dễ dàng”, Terri viết.
Cô viết thêm: “Tại sao tôi lại phá hủy món quà quý giá mà Chúa đã ban cho tôi bằng hành động tự hại mình khủng khiếp như vậy?”.
Câu chuyện của Terri vừa đáng sợ vừa có tính khích lệ. Nó đáng sợ bởi vì toàn bộ lịch sử của sự thúc đẩy dẫn tới việc tự hủy hoại bản thân của cô quá quen thuộc. Nó có tính khích lệ bởi vì cô đã sáng suốt chấp nhận sự giúp đỡ của chuyên gia và nghe theo lời khuyên của chuyên gia, lời khuyên đã cứu mạng cô.
Tuy nhiên, tôi muốn tìm đến với những người như Terri trước khi họ tự làm đau bản thân mình hoặc những người họ yêu thương. Tôi hiểu nỗi đau tinh thần của họ, nhưng tôi biết có những cách để đương đầu với nỗi đau tinh thần tốt hơn nhiều so với cách tự rạch cơ thể mình để gây ra đau đớn về thể xác. Hồi bé khi nghiền ngẫm ý định tự sát, tôi tin rằng cảm giác tuyệt vọng là vô cùng khủng khiếp, không gì so sánh được. Tôi cảm thấy mình cô đơn trong đau khổ, nhưng thực tế phũ phàng cho thấy tôi chỉ là một trong vô số không ít người trên đời này đã hoặc đang nghĩ, đã cố, và đã thành công trong việc tự hủy hoại bản thân hoặc tự kết thúc cuộc sống.
Bởi vì hầu hết những vết cắt hoặc vết thương mà những người như Terri tự gây ra cho cơ thể mình đều được tạo ra một cách bí mật, nên chúng ta chỉ biết một số ít các cuộc nghiên cứu sâu giàu tính thống kê về hành vi tự làm hại bản thân bao gồm cào cấu, cắn, rạch da, đập đầu vào vật cứng, dứt tóc, ăn những thứ độc hại, tự thiêu. Một cuộc nghiên cứu được tiến hành với các sinh viên đại học ở Mỹ cho thấy 32% số người được hỏi nói rằng họ có liên quan đến những hành vi tự gây hại cho bản thân như đã đề cập ở trên. Các chuyên gia nghiên cứu các trường hợp tự làm hại bản thân dự đoán rằng 15 đến 22% những người ở tuổi mới lớn và thanh niên đã từng cố ý tự hủy hoại bản thân ít nhất một lần.
Những thống kê về các vụ tự tử không thành và các vụ tự sát đã xảy ra còn đáng báo động hơn. Mỗi năm có khoảng một triệu người trên hành tinh này tự tử. Con số này cho thấy cứ bốn mươi giây lại có một người tự kết thúc đời mình một cách có chủ ý. Tự tử đã trở thành nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở những người thuộc độ tuổi từ 15 đến 24, và theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ lệ tự tử đã tăng 60% trong bốn mươi năm trở lại đây.
Cách đây không lâu tôi đã có một buổi diễn thuyết tại một trường trung học ở Washington DC, nơi tôi đề nghị các học sinh nhắm mắt lại rồi giơ tay lên và nắm tay lại nếu họ đã từng nghĩ đến chuyện tự tử. Gần 75% trong số 800 học sinh có mặt tại buổi nói chuyện thừa nhận họ từng nghĩ đến chuyện tự tử. Sau đó tôi đề nghị các học sinh giữ nguyên nắm tay nếu như họ thực sự đã tự tử nhưng không thành. Gần 80 học sinh thừa nhận rằng họ đã từng tự tử không thành. Thật đáng sợ phải không các bạn?
Những người bị thôi thúc bởi ý định tự tử thường cảm thấy mình không có mục đích sống hoặc cảm thấy cuộc sống của họ chẳng có ý nghĩa gì. Họ cảm thấy tương lai của mình không có hy vọng bởi họ đau khổ vì quan hệ tình cảm đổ vỡ hay vì vấn đề sức khỏe, vì mất người thân, hoặc vì những thách thức ghê gớm mà họ nghĩ mình không thể vượt qua được.
Mỗi người chúng ta đều có những gánh nặng riêng. Tôi hiểu mất hy vọng nghĩa là gì. Bây giờ nghĩ lại cái lần mình định tự, tôi có thể hiểu suy nghĩ của đứa con trai tuyệt vọng là tôi khi ấy. Sự khuyết thiếu chân tay không phải là vấn đề; chính sự thiếu niềm tin và hy vọng mới châm ngòi cho cảm giác chán nản, tuyệt vọng của tôi hồi đó.
Vì tôi sinh ra đã không có chân tay, hồi bé tôi chưa bao giờ có cảm giác mình mất các bộ phận đó. Tôi tìm ra nhiều cách để tự làm hầu hết các việc hàng ngày. Tôi đã có một tuổi thơ hạnh phúc với những cuộc trượt pa-tanh, những chuyến đi câu cá, những giờ chơi bóng cùng với em trai, em gái và các anh chị em họ. Tất nhiên thỉnh thoảng có những trải nghiệm không mấy thú vị khi tôi phải gặp bác sĩ và các chuyên gia trị liệu. Mặc dầu vậy, trong hầu hết thời gian khi còn bé tôi đã chẳng để tâm đến sự không thuận lợi mà thân thể bất bình thường của tôi mang lại. Đôi khi có những điều tốt đến từ sự không bình thường đó. Báo chí và truyền hình ở Australia đã đăng bài và làm chương trình về tôi, biểu dương những nỗ lực sống không giới hạn của tôi.
Hành động bắt nạt và những lời bình phẩm gây tổn thương hiếm khi xảy ra cho tới khi tôi chạm đến cái tuổi mà gần như mọi đứa trẻ đều dễ phải hứng chịu sự đau khổ tương tự như vậy ở sân trường, căng-tin, hoặc trên xe buýt. Sự thôi thúc tự hủy hoại mình xảy ra khi tôi mất niềm tin và chỉ tập trung nghĩ về những gì tôi không thể làm hơn là nghĩ đến những gì tôi có thể. Tôi mất đi niềm hy vọng vào tương lai bởi vì tầm nhìn của tôi bị hạn chế trong phạm vi những gì tôi nhìn thấy, thay vì mở rộng bản thân mình trước những những gì là có thể - và thậm chí là không thể.
Không một ai nên cảm thấy thương hại tôi. Và không một ai nên xem nhẹ những thách thức của riêng họ bằng cách so sánh những thách thức đó với những thách thức của tôi. Tất cả chúng ta đều có những vấn đề và những nỗi lo của riêng mình. Tôi cảm thấy biết ơn vì Terri và những người khác có thể tìm được một hướng nhìn lạc quan hơn trong cuộc sống của họ bằng cách nhìn vào tôi để được khích lệ và truyền cảm hứng, nhưng đó không phải là tất cả những gì về tôi.
Trước hết, mặc dù tôi khuyết thiếu chân tay, tôi vẫn có một cuộc sống tốt đẹp đến mức kỳ diệu. Thực ra khi tôi còn nhỏ, sự chấp nhận bản thân và sự tự tin của tôi đã không sụp đổ cho đến khi tôi bắt đầu so sánh bản thân mình với các bạn cùng trang lứa. Sau đó, thay vì tự hào về những gì mình có thể làm, tôi chỉ nghĩ đến những gì các bạn của tôi có thể làm mà tôi thì không thể. Thay vì nhìn nhận bản thân mình là người có khả năng, tôi coi mình là kẻ bất lực. Thay vì tự hào về sự độc đáo của mình, tôi khao khát trở thành người khác. Hướng tập trung của tôi thay đổi. Tôi cảm thấy mình vô giá trị. Tôi coi bản thân mình là gánh nặng đối với gia đình. Tương lai của tôi dường như không có chút hy vọng.
Những ý nghĩ và cảm xúc tiêu cực có thể lấn át bạn và cướp đi cái nhìn khách quan của bạn.Nếu bạn không ngăn chặn chúng lại, thì sự tự hủy hoại bản thân dường như là cách trốn thoát duy nhất bởi vì bạn không thể nhìn thấy cách nào khác cả.
“Nếu mình muốn chết, thì tại sao mình lại không biến cái chết thành hiện thực nhỉ?”. Bạn sẽ tự hỏi mình như vậy.
“Mình chỉ có thể ngăn chặn sự đau khổ ở bên trong bằng cách gây ra nỗi đau ở bên ngoài!”. Bạn sẽ nghĩ như vậy.
Nhiều người có ý nghĩ tự giải thoát bằng cách tự tử hoặc tự làm đau bản thân mình.
Điều sẽ cứu sống bạn trong những hoàn cảnh như vậy là chuyển hướng nhìn từ bản thân bạn sang những người bạn yêu thương, từ nỗi đau hiện tại tới những khả năng tốt đẹp hơn trong tương lai.
Khi sự thôi thúc tự hủy hoại bản thân và những ý nghĩ tự sát dày vò bạn, tôi khuyên bạn hãy biến niềm tin thành hành động, dù đó là niềm tin mà bạn có về những ngày tốt đẹp hơn và một cuộc sống tốt đẹp hơn hay niềm tin rằng những người bạn yêu thương, trong đó có Đấng Sáng Tạo của bạn, sẽ giúp bạn vượt qua cơn giông tố này.
Thay đổi cách nhìn
Tám tuổi tôi đã kịp dừng lại, không tự kết thúc đời mình khi hướng nhìn của tôi chuyển từ nỗi chán nản của bản thân sang nỗi đau mà tôi có thể gây ra cho gia đình và những người thân nếu tôi tự tử. Sự chuyển hướng nhìn này đã đưa tôi ra khỏi con đường tự hủy hoại bản thân và dẫn tôi tới con đường của niềm tin. Hành động của bạn luôn ảnh hưởng đến những người khác. Hãy cân nhắc xem những hành động tự hủy hoại mình có thể ảnh hưởng đến những người yêu thương bạn, những người kính trọng bạn, và những người tin tưởng ở bạn như thế nào.
Darren đã gửi thư tới trang web của tôi nói rằng trong cùng một năm anh bị mất việc làm, quan hệ tình cảm đổ vỡ, và anh phải đương đầu với khủng hoảng tài chính. Ngày cũng như đêm, ý nghĩ tự vẫn đeo bám anh. Anh đấu tranh với những ý nghĩ tiêu cực đó bằng cách xem các video của tôi và nghĩ về các con anh. “Tôi không thể chịu đựng nổi ý nghĩ rằng các con của tôi sẽ lớn lên mà không có cha”, anh viết. Anh hiểu ra rằng mỗi cuộc đời đều được ghi dấu bằng những cuộc đấu tranh: “Tất cả những gì bạn phải làm là đứng dậy, rũ bỏ bụi bặm để đi tiếp, và nên biết rằng cuộc sống này đủ tốt đẹp và nó vẫn sẽ tiếp tục”.
Vào lúc này có thể bạn cảm thấy rằng không ai quan tâm đến bạn. Nhưng chừng nào bạn còn sống, còn thở, thì chừng ấy khả năng về những ngày mai tươi đẹp hơn vẫn có thể xảy ra. Chừng nào khả năng đó còn tồn tại, thì chừng đó bạn còn có thể đặt niềm tin vào nó và vươn tới nó, từng ngày, từng ngày một.
Bạn sợ rằng tôi đang mang đến cho bạn hy vọng hão huyền đúng không? Hãy xét đến việc tôi đang viết cuốn sách này, cuốn sách thứ hai của tôi, từ lợi ích của việc không có chân, không có tay mà xem! Và bạn hãy xét đến việc tôi, người đang viết cuốn sách này, mười tám năm trước đã có ý định tự tử. Ấy vậy mà giờ đây tôi hạnh phúc đến mức khó có thể tưởng tượng nổi, là một người đàn ông hai mươi chín tuổi đi khắp thế giới diễn thuyết trước hàng triệu người, một người đàn ông sống trong tình yêu ngập tràn.
Bạn được yêu thương
Bạn có thể thoát khỏi đau đớn, sự cô đơn và nỗi sợ hãi. Bạn được yêu thương. Bạn được tạo ra vì một mục đích và qua thời gian mục đích đó sẽ được tiết lộ với bạn. Bạn nên biết rằng ở trong hoàn cảnh nào bạn cảm thấy mình yếu ớt thì Chúa sẽ mang đến cho bạn sức mạnh. Tất cả những gì bạn phải làm là biến niềm tin thành hành động bằng cách tìm đến với những người yêu thương bạn, những người muốn giúp đỡ bạn.
Hãy loại bỏ những ý nghĩ tự hủy hoại bản thân. Hãy ngăn chặn chúng. Hãy thay thế những ý nghĩ tiêu cực đó bằng những thông điệp lạc quan hoặc những lời cầu nguyện. Hãy giải phóng bạn khỏi sự cay đắng, giận dữ, đau khổ, và hãy để tình yêu đi vào trái tim bạn.
Bạn không cô đơn
Hồi bé khi nghiền ngẫm ý định tự tử, tôi đã phạm sai lầm là giữ kín những ý nghĩ nguy hại đó không cho ai biết. Khi đó tôi thực sự tuyệt vọng. Tôi cảm thấy không ai hiểu được nỗi đau của tôi. Tôi cứ giữ những ý nghĩ tiêu cực đó trong lòng bởi vì tôi không thể suy nghĩ một cách sáng suốt được; và khi con người ta không thể suy nghĩ sáng suốt, những bi kịch như chuyện tự tử có thể xảy ra.
Tất nhiên tôi không đơn độc. Tôi có những người yêu thương tôi ở bên cạnh và khi tôi cố tự kết thúc cuộc đời mình, tình yêu tôi dành cho những người thân đã giúp tôi dừng lại. Tôi không chịu đựng nổi cái ý nghĩ rằng mình chết theo cách đó sẽ khiến người thân của mình đau đớn và cảm thấy ân hận biết nhường nào.
Khi cha mẹ tôi biết được những ý nghĩ tự hủy hoại bản thân của tôi, họ lập tức can thiệp, mặc dù khi ấy việc không hay ho đó đã xảy ra từ năm năm trước. Cái đêm sau khi tôi úp mặt xuống nước trong bồn tắm và rồi kịp dừng lại, tôi đã nói với em trai Aaron của tôi rằng có thể đến năm hai mươi mốt tuổi tôi sẽ tự tử bởi vì tôi không muốn tiếp tục là gánh nặng cho cha mẹ nữa. Em tôi lập tức nói lại điều đó với cha tôi, và cha thật sáng suốt khi đã không phản ứng thái quá. Thay vì làm thế, cha nói với tôi rằng cha mẹ và những người thân luôn yêu thương tôi, và rằng cha mẹ không bao giờ coi tôi là gánh nặng của họ.
Qua thời gian, sự tuyệt vọng tan dần. Tôi vẫn có những giai đoạn buồn rầu và thỉnh thoảng suy sụp, nhưng vào những lúc như vậy tự tử không bao giờ là một sự lựa chọn đối với tôi nữa. Giờ đây tôi đã có Kanae, và chỉ nghĩ đến việc để mất một giây bên cô ấy thôi đã là điều vượt ngoài sự tưởng tượng của tôi rồi. Tuy nhiên, cũng như tôi đã may mắn trong nhiều chuyện, tôi may mắn có được nhiều tình yêu trong cuộc sống. Nhiều người từng nghĩ đến việc tự tử hoặc hủy hoại bản thân không có được sự giúp đỡ và sẻ chia của gia đình, bạn bè gần gũi.
Nếu bạn ở trong hoàn cảnh đó thì bạn hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Không ai trong chúng ta đơn độc. Bạn không nên một mình đương đầu với nỗi tuyệt vọng hoặc những ý nghĩ tiêu cực. Nếu bạn không có bạn bè hoặc gia đình, những người có thể chia sẻ gánh nặng với bạn, ở bên bạn trong lúc khó khăn thì bạn có thể tìm sự giúp đỡ từ nhà thờ, bác sĩ, bệnh viện, trường học, hoặc những cơ sở chăm sóc sức khỏe tinh thần ở nơi bạn sinh sống.
Trên mạng Internet có nhiều nguồn tư vấn có thể giúp bạn ngăn chặn ý định tự tử. Hal đã tìm thấy tôi theo cách đó, và tôi rất mừng vì cậu ấy đã làm như vậy. Giống như tôi và nhiều người khác đã từng trải qua nỗi tuyệt vọng và từng nghĩ tới việc tự tử, Hal đã tự cô lập mình. Sau đó anh hối tiếc vì đã làm như vậy: “Tôi đã không nói với bất cứ ai, và giờ đây tôi coi đó là sai lầm lớn nhất của mình”, anh viết trong thư điện tử gửi cho tôi. “Nếu như dạo đó tôi tin cậy một người nào đó đủ để giãi bày rằng tôi đang đau khổ thì có lẽ tôi đã có đủ can đảm để tìm kiếm sự giúp đỡ thay vì càng ngày càng tiến đến gần hơn một giải pháp vĩnh viễn (tiêu cực) cho một khó khăn tạm thời”.
Đó là một điều quan trọng. Nỗi đau khổ và tuyệt vọng của bạn sẽ không kéo dài mãi mãi. Bạn chỉ việc nhìn vào cuộc sống của tôi để thấy rằng những hoàn cảnh tưởng chừng vô vọng lại có thể thay đổi một cách kỳ diệu theo hướng tích cực. Nếu bạn cảm thấy mình đã trải nghiệm điều tồi tệ nhất của cuộc sống, thì lẽ nào bạn không muốn tận hưởng điều tốt đẹp nhất? Khi tôi còn nhỏ, có nằm mơ tôi cũng chẳng dám mơ mình sẽ có được những trải nghiệm tuyệt vời, chẳng dám mơ có những con người đầy yêu thương đang đợi tôi. Điều tốt đẹp nhất của Tạo Hóa cũng đang đợi bạn đấy, bạn ạ.
May mắn thay Hal đã nhanh trí đấu tranh với những ý nghĩ thôi thúc cậu tự tử. Cậu tìm đến với Internet, một nơi có thể rất tốt mà cũng có thể rất tồi tệ để đến, tùy thuộc vào hướng bạn nhìn. Trong trường hợp này Hal đã tình cờ đọc được một bức thư điện tử của mẹ anh, người đã cảm nhận được rằng Hal cần sự khích lệ.
Bức thư cậu gửi cho tôi bắt đầu bằng hai chữ “Ôi chao!”. Hal viết rằng ngày hôm đó khi cậu xem video của tôi, cậu đã không kiềm được những giọt nước mắt. Sau đó cậu tự hỏi mình một loạt những câu hỏi và đi đến một kết luận đã cứu sống cậu và chắc chắn đã thay đổi cuộc đời của cậu theo hướng tốt đẹp hơn:
“Tại sao mình lại ích kỷ đến thế chứ? Tại sao mình lại nghĩ rằng tự tử là cách duy nhất nhỉ? Mình có một gia đình giàu tình yêu thương, có đủ cơm ăn áo mặc; mình học đại học, được hưởng sự giáo dục mà một số người chỉ có thể mơ. Mình có người yêu, và mình được thấy những điều đáng ngạc nhiên trong cuộc sống… Ấy vậy mà mình tự cho phép bản thân quên những may mắn đó.
Đó là những gì Nick đã làm cho tôi. Anh nhắc nhở tôi rằng cuộc sống là một món quà, sống không chỉ là quyền mà là một đặc quyền.”
Tôi thích điều cuối cùng Hal tâm sự trong bức thư: “Tôi chưa bao giờ là một người ngoan đạo, nhưng tôi tin vào những phép màu. Tôi sống được là nhờ những phép màu đó”.
Mỗi khi kể lại câu chuyện này tôi đều cảm thấy rất xúc động, thậm chí ngay cả lúc này, bởi vì bức thư của Hal có đường link của một trang web đăng tải các video của tôi. Hãy nghĩ về điều này: Hồi đó nếu tôi thực hiện trọn vẹn ý định tự tử, thì tôi sẽ chẳng bao giờ có thể tạo ra đoạn video đã giúp Hal thoát khỏi hố sâu tuyệt vọng!
Bây giờ bạn hãy nghĩ tới điều tốt đẹp mà Hal có thể làm để giúp những người khác đã từng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Chỉ cần đọc câu chuyện của anh trong cuốn sách này, nhiều người cũng có thể cảm thấy được khích lệ, được động viên và giúp đỡ. Vậy nên cuộc sống của Hal giờ đây có ý nghĩa vượt trên cả mong ước. Với bạn cũng vậy! Nếu bạn đã từng có ý định tự tử hoặc hủy hoại bản thân, thì bạn hãy làm những gì Hal và tôi đã làm. Hãy biến niềm tin của bạn thành hành động và hãy trao cuộc sống của bạn cho Chúa thay vì tự kết thúc nó.
Đón đọc kỳ 16: Hãy sẵn sàng giúp đỡ
0 comments: